Thầy giáo vùng xa tích cực đổi mới sáng tạo
Tại Trường THCS Núi Tượng (huyện Tân Phú), thầy Hoàng Văn Khả (giáo viên môn Hóa học) là một nhân tố tích cực trong đổi mới dạy học. Không chỉ thay đổi phương pháp, giúp học sinh tiếp cận thực tế nhiều hơn, thầy Khả còn hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án khoa học kỹ thuật.
Giúp học sinh tiếp cận thực tế nhiều hơn
Thầy Hoàng Văn Khả tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Đại học Đồng Nai) và về công tác tại Trường THCS Núi Tượng từ năm 2001. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, công việc tưởng chừng đã đi vào lối mòn vì đã quá quen với giáo án cũ, bài học cũ. Thế nhưng trong 3 năm trở lại đây, việc dạy học của thầy Khả bỗng trở nên mới lạ, hấp dẫn hơn.
Theo chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Bộ GD-ĐT, những văn bản triển khai của cấp sở và phòng GD-ĐT, thầy Khả đã bắt tay vào trải nghiệm để đổi mới việc dạy học. “Trước đây, khi vào lớp, người thầy luôn giữ thế chủ động và truyền đạt kiến thức kiểu một chiều cho học sinh. Còn bây giờ, giáo viên phải chuyển thế chủ động cho học sinh, để các em tự nghiên cứu, tìm tòi sau đó giáo viên làm nhiệm vụ chốt lại kiến thức. Theo đó, trước khi có bài mới, tôi sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh thông qua phiếu học tập (giáo viên tự thiết kế theo nội dung bài học). Học sinh phải tự thực hiện các yêu cầu trong phiếu học tập ở nhà trước khi lên lớp. Đến tiết học, tôi sẽ cho các em trao đổi (thuyết trình, phản biện) những nội dung trong phiếu học tập, để các em tự đánh giá sau đó mới chốt lại kiến thức. Với cách thức này, học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức, có nhiều kỹ năng mềm, rèn luyện bản thân, không khí lớp học sôi nổi và bản thân các em sẽ nắm vững kiến thức hơn”, thầy Khả chia sẻ.

Thầy Hoàng Văn Khả hướng dẫn các thành viên CLB Hóa học làm chất chỉ thị màu (giấy quỳ tím) từ hoa dâm bụt
Không chỉ thay đổi trong phương pháp dạy học, thầy Khả còn tích cực cho học sinh trải nghiệm thực tế, áp dụng những kiến thức đã học trong việc chế tạo nên các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Đầu năm học 2018 - 2019, Trường THCS Núi Tượng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Hóa học do thầy Khả phụ trách. CLB này gồm 15 thành viên, sinh hoạt 1 buổi/tuần. Tính đến nay, CLB đã thực hành được nhiều nội dung như chiết tinh dầu xả, làm sáp ong, làm dầu dừa, làm chất chỉ thị màu từ hoa dâm bụt. Ngoài ra, 2 thành viên trong CLB còn tham gia và đoạt giải khuyến khích kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện.
Em Đinh Thị Thiên Thư, học sinh lớp 9A1 vui vẻ cho biết: “Khi tham gia CLB Hóa học của nhà trường, em có thể tự tin thuyết trình trước đám đông, biết phản biện và vận dụng những công nghệ mới vào thực tế. Ngoài ra, thông qua các dự án mà thầy Khả hướng dẫn, em biết cách áp dụng những kiến thức liên môn Hóa học, Sinh học, Vật lý, Toán học vào đời sống”.
Nhiều “quả ngọt”
Chỉ trong 2 năm học (2017 - 2018 và 2018 - 2019), thầy Khả đã hướng dẫn học sinh của mình làm được rất nhiều sản phẩm. Có thể kể đến như phân bón từ cá, bình điện phân từ muối ăn bão hòa, băng dán cá nhân từ thảo dược, kem chống muỗi và trị nốt muỗi đốt, làm chất chỉ thị màu từ hoa dâm bụt. Trong đó, sản phẩm “Băng dán cá nhân từ thảo dược” đã đoạt giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh và giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh; sản phẩm “Kem chống muỗi và trị nốt muỗi đốt” đoạt giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2018. Đây là những “quả ngọt” đầu tiên của hành trình đổi mới dạy học mà thầy Khả đang thực hiện.
Theo thầy Khả, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng với sự phát triển của internet, mạng xã hội thì việc tiếp cận với đổi mới giáo dục của thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa đã thuận tiện hơn rất nhiều. Theo đó, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do Sở GD-ĐT tổ chức, thầy Khả có thể tham khảo thêm rất nhiều thông tin trên mạng hoặc khi cần hỗ trợ thầy có thể nhờ các thầy cô giáo ở thành phố giúp đỡ. Ví dụ, khi hướng dẫn học sinh cách chiết tách tinh dầu, thầy Khả đã lên mạng tìm hiểu công nghệ chiết tách hiện có, sau đó lựa chọn một phương pháp phù hợp rồi tự trải nghiệm và hướng dẫn cho học sinh thực hành.
Theo thầy Khả, những đề tài nghiên cứu, sáng tạo trước hết phải căn cứ từ thực tế của đơn vị, sau đó phải xem xét đến năng lực của học sinh và giáo viên. Nội dung dự án phải mang tính chất kỹ thuật, gần gũi với đời sống hằng ngày, với học sinh... Thỏa mãn được những điều kiện này thì các em mới đạt được những mục tiêu đặt ra khi xây dựng dự án.
Mặc dù khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nhưng bù lại, thầy Khả cho rằng có một thuận lợi rất lớn đó là học sinh rất ham học và luôn nhiệt tình tham gia các công việc mà giáo viên yêu cầu. Với việc đổi mới dạy học, học sinh dần yêu thích bộ môn Hóa học hơn. Các em trở nên say mê với việc học, nghiên cứu và giảm chơi game và các trò chơi không lành mạnh khác.
Cô Trương Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Núi Tượng chia sẻ: “Trường THCS Núi Tượng còn khó khăn về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, trường đã triển khai các CLB để học sinh hứng thú hơn trong học tập. Sau một thời gian hoạt động, nhà trường nhận thấy việc học của các em có nhiều cải thiện, các em thích đến trường hơn, mối quan hệ giữa thầy và trò cũng gần gũi hơn; học sinh đã làm ra được những sản phẩm đầu tay, tạo được quỹ lớp. Đây là tín hiệu đáng mừng để nhà trường tiếp tục triển khai và phát triển CLB trong những năm học tiếp theo”.
Để làm được một chủ đề, bản thân thầy Khả phải chủ động tìm hiểu, trải nghiệm trước trong thời gian ít nhất là 1 tháng rồi mới triển khai cho học sinh. Việc thực hiện các dự án trải nghiệm, sinh hoạt CLB Hóa học đều thực hiện vào giờ ngoại khóa. Trong đó, với mỗi chủ đề trải nghiệm, học sinh phải thực hành ít nhất trong khoảng thời gian từ 3 - 5 tiết.
Với những dự án tham dự các cuộc thi thì thời gian đầu tư của cả thầy và trò càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động nghiên cứu này cũng không ít. Tuy thế, đa phần bản thân giáo viên phải tự chi cho khoản này, nhà trường chủ yếu động viên tinh thần và hỗ trợ một phần nhỏ. Nếu đoạt giải thì tiền giải thưởng cũng chưa bù được phần kinh phí đã bỏ ra trong quá trình nghiên cứu. Thế nhưng với đam mê đổi mới, sáng tạo và mong muốn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, thầy Khả sẽ vẫn tiếp tục với công việc này.
Ngoài nỗ lực của bản thân và sự động viên của Ban giám hiệu, thầy Khả còn có một người bạn đồng chí hướng, luôn đồng hành và hỗ trợ thầy trong công việc. Đó chính là người vợ của thầy. Được biết, cô cũng là giáo viên bộ môn Hóa học và hiện đang công tác tại Trường THCS Nam Cát Tiên. Không chỉ đưa ra những lời khuyên, ý kiến cho các dự án của chồng, hiện cả hai vợ chồng thầy Khả đang cùng xây dựng các chủ đề giáo dục theo định hướng STEM, trong đó có dự án làm chất chỉ thị màu từ hoa dâm bụt.
Hải Yến - Báo Lao động Đồng Nai