• Thủ tục hành chính
  • Đổi mới Giáo dục
  • Quy trình ISO
  • Tra cứu thông tin tốt nghiệp
  • Tài liệu tham khảo
  • Hội khuyến học
  • Báo giáo dục Thời đại

Người thầy khơi dậy đam mê khoa học kỹ thuật trong học sinh

Với mong muốn giúp học sinh có cơ hội được theo đuổi đam mê khoa học kỹ thuật (KHKT); đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thầy Nguyễn Thanh Phương (Trường THPT Thống Nhất A) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ươm mầm KHKT học sinh trung học. Dưới sự dẫn dắt của thầy Phương, nhiều học sinh đã đoạt giải cao trong các cuộc thi KHKT. Quan trọng hơn, các em đã tìm thấy niềm đam mê của mình và có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai

Thắp sáng đam mê khoa học kỹ thuật

Thầy Nguyễn Thanh Phương là giáo viên bộ môn Công nghệ, Dạy nghề phổ thông. Với đặc trưng môn học phụ trách, thầy thường xuyên khảo sát, hỏi han học trò về định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Đại đa số học sinh được hỏi đều có mong muốn, định hướng học tiếp ở bậc đại học, dù năng lực, sở trường và công việc mà các em theo đuổi có khi chỉ cần học ở các trường nghề.

“Các em chỉ biết rằng mình sẽ học đại học, thậm chí các em còn không phân biệt được giữa học nghề và học đại học. Vì vậy, tôi mới có ý tưởng thành lập một CLB về KHKT để các em tham gia. Trải qua quá trình sinh hoạt trong CLB, các em sẽ biết sở trường của mình là gì, nên học tiếp ở bậc đại học hay chỉ cần học nghề… CLB Ươm mầm KHKT học sinh trung học đã ra đời như thế”, thầy Phương kể lại.

Khi một học sinh bắt đầu tham gia CLB, chính thầy Phương là người trực tiếp phỏng vấn. Mục đích là để xem học sinh có thật sự đam mê hay không; đồng thời cho thấy trước những khó khăn, rào cản mà các em sẽ phải vượt qua. Thầy cũng chính là người dẫn dắt để các em có thể hòa nhịp được cùng với các bạn và bắt đầu công việc nghiên cứu, sáng tạo KHKT. 

10.JPG
Thầy Nguyễn Thanh Phương (hàng đứng, thứ 4 từ phải qua) cùng các học sinh tham gia cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học

Thầy Phương cho biết: “CLB không cần tuyển học sinh giỏi, thậm chí không nhất thiết phải đam mê với KHKT mà chỉ cần các em tuân thủ nội quy của CLB, chấp nhận vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt. Thực tế, nhờ tham gia sinh hoạt tại CLB này, nhiều học sinh đã từ bỏ việc nghiện chơi game để quay sang đam mê KHKT. Qua nhiều năm theo dõi, tôi cũng thấy rằng hầu hết các em sẽ theo đuổi công việc hoặc ngành học có liên quan đến các vấn đề KHKT mà các em đã thực hành, sáng tạo khi sinh hoạt tại CLB”. 

Để có kiến thức, kỹ năng nền tảng cho công việc nghiên cứu khoa học, thầy Phương đã viết một cuốn giáo trình dành riêng cho thành viên CLB với tên gọi “Khung chương trình định hướng đào tạo CLUB”. Trong đó có các phần kiến thức chính gồm: Phần điện tử cơ bản, Arduno (hệ thống nhúng); Điều khiển khí nén; Cơ khí; Hóa sinh; Công nghệ thông tin; Kỹ năng tổng quát; Khởi nghiệp. Trong mỗi phần lại có những chủ đề cụ thể. Chẳng hạn, đối với phần Kỹ năng tổng quát, thầy Phương sẽ hướng dẫn học sinh các kỹ năng như: thiết kế power point, thiết kế poster tham gia thi KHKT, viết luận KHKT, thuyết trình KHKT, làm kịch bản và quay video dự thi KHKT, thực hành làm một số dự án thi KHKT… Với trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học công nghệ, thầy Phương có nhiều thuận lợi khi xây dựng bộ giáo trình dành riêng cho CLB.

Sau khi được học những kiến thức đại cương, mỗi thành viên sẽ thực hành hoàn thiện một đề án theo định hướng giáo dục STEM: tự lên ý tưởng sáng tạo, tự thực hiện ý tưởng (chủ yếu là ý tưởng kỹ thuật công nghệ), tự nhận xét, đánh giá về ý tưởng và kết quả thực hiện của mình. Sau khi học sinh đã quen với các thao tác, quy trình làm KHKT, học sinh sẽ được học các kỹ năng chuyên sâu hơn. Tiếp đó, thầy Phương sẽ phân nhóm để các nhóm thực hiện các đề tài KHKT nhằm tham gia các cuộc thi dành cho học sinh. Với cách làm này, một học sinh tham gia CLB từ năm lớp 10 đến lớp 12 có thể làm được 3 đề tài KHKT. Kỹ năng tích lũy được từ quá trình này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em khi tham gia học nghề hoặc học đại học. 

Mở đường tương lai cho nhiều học sinh

Để hỗ trợ tối đa cho học sinh, thầy Phương đã tự bỏ tiền túi để mua sắm đầy đủ dụng cụ thực hành. Trong căn nhà đơn sơ, thầy Phương dành một không gian rộng rãi và trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của học trò: từ bàn ghế, máy tính, ổ điện đến lưỡi cưa, máy khoan… Những khi phải hoàn thiện đề tài, hầu hết các thành viên trong CLB đều tập trung tại nhà thầy Phương để làm việc. Những khi thầy đi dạy ở trường thì mẹ thầy Phương ở nhà cũng luôn sẵn sàng đón tiếp các học trò nhỏ thay cho con trai.

Không chỉ trực tiếp hướng dẫn học sinh, thầy Phương còn kết nối với các cựu học sinh, cựu thành viên CLB để họ cùng chung sức với thầy trong việc hướng dẫn các thành viên CLB mới. Thông thường, những buổi huấn luyện này diễn ra vào cuối tuần, khi các “cộng tác viên” của thầy Phương có thời gian rảnh rỗi. 

Ngoài thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thầy Phương còn chú trọng xây dựng kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết giữa các thành viên thông qua các hoạt động “ngoài lề” khác như: tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại, thăm trại trẻ mồ côi và các hoạt động xã hội khác… 

Thầy Phương tâm sự: “Tôi chẳng có gì để cho học sinh ngoài kiến thức, có bao nhiêu tôi muốn trao truyền cho học sinh hết bấy nhiêu”. Là giáo viên dạy 2 môn học “được” nhiều người cho là “môn phụ”, nhiều phụ huynh từng không ủng hộ khi con “đi theo” thầy Phương. Em Sầm Đức Anh, một thành viên của CLB cho biết: “Khi em mới tham gia CLB, bố mẹ em không ủng hộ, họ chỉ muốn em học thật tốt các môn học ở trên trường và chú trọng vào những “môn chính” để sau này thi đậu đại học. Cho đến khi những sản phẩm KHKT của em đoạt giải ở cấp tỉnh, cấp quốc gia thì bố mẹ mới thôi ngăn cản”.

Vì hiểu được tâm lý của phụ huynh, thầy Phương luôn nhắc nhở các học trò của mình cân đối kế hoạch, thời gian học tập để không sao nhãng việc học chính khóa. Bù lại, hầu hết học sinh khi tham gia CLB đều có ý thức học tập tốt, quan trọng hơn là có được định hướng đúng đắn về nghề nghiệp trong tương lai. Và, dù là giáo viên “môn phụ” nhưng thầy Phương luôn được các học trò nhớ đến với lòng biết ơn vì chính thầy là người đã chỉ ra con đường tương lai cho mình. 

Nhiều người có tâm lý xem thường “môn phụ”, thậm chí là giáo viên dạy “môn phụ” vì cho rằng những môn học này ít có tác động đến tương lai, nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, với cách làm của mình, thầy Phương đã cho thấy những môn học này có tác động lớn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh; thậm chí mở ra cho học sinh con đường tương lai mới mà trước đó chính các em và cả các bậc phụ huynh cũng chưa từng nghĩ đến.
“Phải nghĩ cho học sinh thì mới có thể vượt qua được rào cản, định kiến của phụ huynh và duy trì sinh hoạt của CLB. Những tình cảm yêu mến, sự thành công của học trò chính là động lực để mình tiếp tục phát triển CLB. Món quà tinh thần này cũng là động lực để mình định hướng cho thế hệ sau tốt hơn”, thầy Phương chia sẻ. 

Mong muốn phát triển hình thức giáo dục STEM

Hình thức sinh hoạt của CLB Ươm mầm KHKT học sinh trung học mà thầy Phương làm chủ nhiệm thực chất là hình thức của giáo dục STEM. Tuy nhiên, với nguồn lực của riêng thầy Phương, CLB chỉ có thể duy trì ở mức độ nhỏ với số lượng hơn 10 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Mong muốn của thầy Phương là có thể phát triển rộng mô hình để nhiều học sinh có cơ hội được học tập và trải nghiệm STEM. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự chung tay của nhiều người, trước hết là sự vào cuộc của những giáo viên có cùng tâm huyết với học trò; đam mê nghiên cứu, phát triển KHKT.

Hải Yến - Báo Lao động Đồng Nai

Các tin khác

Thống kê truy cập